null Những kết quả nổi bật của ngành Tư pháp tỉnh Bạc Liêu năm 2021 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Tin hoạt động
Th 6, 28/01/2022, 10:23
Màu chữ Cỡ chữ
Những kết quả nổi bật của ngành Tư pháp tỉnh Bạc Liêu năm 2021 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Năm 2021, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19 kéo dài; song với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu kép đó là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nên đã đạt được những kết quả rất quan trọng và khá toàn diện. Những kết quả đạt được trong năm qua, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà, còn có sự đóng góp quan trọng của Sở, ngành Tư pháp tỉnh Bạc Liêu.

Trong năm qua, Sở Tư pháp đã thực hiện và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện hoàn thành tốt Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, với 130 nhiệm vụ chủ yếu trên các lĩnh vực tư pháp. Công tác tư pháp trong năm qua tiếp tục được đổi mới, có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực công tác như: Xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý, luật sư, công chứng, đấu giá, giám định tư pháp và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt, đều có sự chuyển biến rõ nét, từng bước đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả và đạt được những kết quả quan trọng. Một số kết quả nổi bật cụ thể như:

Công tác xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kịp thời, chất lượng tiếp tục được nâng lên, góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong năm qua đã thực hiện thẩm định 67 văn bản của HĐND tỉnh và UBND tỉnh (tăng 14 văn bản so với cùng kỳ), hầu hết các văn bản được rút ngắn thời gian thẩm định từ 15 ngày xuống còn 2 - 5 ngày; thực hiện góp ý 215 dự thảo văn bản của Trung ương và địa phương (tăng 165 văn bản so với cùng kỳ năm 2020).

Công tác theo dõi thi hành pháp luật được quan tâm chú trọng hơn, góp phần đảm bảo trật tự, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, đảm bảo các quy định của pháp luật được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đồng bộ, kịp thời, bảo vệ pháp chế và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân và vì dân; đã tăng cường kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, kiểm tra chuyên đề về bảo vệ môi trường, kiểm tra thi hành pháp luật trên lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đối với 17 sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tiếp tục được tăng cường, đã tiến hành 05 cuộc thanh tra chuyên ngành trên lĩnh vực tư pháp, đã ban hành 06 quyết định thu hồi tiền sai phạm được phát hiện qua công tác thanh tra (lĩnh vực thu, nộp phí, lệ phí hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi đối với 06 đơn vị cấp xã) với số tiền là 317.013.000 đồng; đồng thời, đề nghị các đơn vị được thanh tra tự khắc phục, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót được phát hiện qua công tác thanh tra đúng theo quy định của pháp luật; đồng thời xử phạt vi phạm hành chính 17.000.000 đồng; đã tiến hành kiểm tra 15 cuộc với 27 đơn vị về lĩnh vực: Giao dịch đảm bảo, luật sự, đấu giá tài sản, phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở.

Công tác hộ tịch, chứng thực được thực hiện kịp thời, chính xác, đúng quy định của pháp luật, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Công tác này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý để công nhận, bảo hộ các quyền của công dân; đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tạo lập giá trị pháp lý cho các giấy tờ, văn bản được chứng thực; đã thực hiện hoàn thành và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu về thông tin ngân chặn và thông tin về hợp đồng, giao dịch tài sản được công chứng, chứng thực. Năm qua, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính 6.131 trường hợp; Ủy ban nhân dân cấp xã đã thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính 334.306 trường hợp, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản 11.886 trường hợp và chứng thực hợp đồng, giao dịch 16.804 trường hợp; số lượng đăng ký khai sinh do đăng ký mới (quá hạn) và đăng ký lại để làm căn cước công dân, cụ thể: đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 156.964 trường hợp (tăng 136.116 trường hợp so với năm 2020), đăng ký khai sinh lại cho 62.770 trường hợp (tăng 54.770 trường hợp so với năm 2020) và 19 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài. Các cơ quan đăng ký hộ tịch cũng đã đăng ký khai tử cho tổng số 4.720 trường hợp; đăng ký kết hôn cho tổng số 4.524 cặp, trong đó có 4.204 trường hợp đăng ký mới, 25 trường hợp đăng ký lại và 13 trường hợp có yếu tố nước ngoài, điều đó cho thấy nhiệm vụ của công chức tư pháp cấp xã hết sức nặng nề, khối lượng công việc giải quyết rất lớn, chiếm hơn 80% số lượng vụ việc của Bộ phận một cửa.

Công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục được đổi mới, chất lượng, hiệu quả và số vụ việc tư vấn, bào chữa được nâng lên, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, ngày càng đáp ứng yêu cầu của các đối tượng được trợ giúp pháp lý; đã thụ lý thực hiện 942 vụ việc trợ giúp pháp lý (tăng 19% so với năm 2020), trong đó: Số vụ việc tư vấn 411 vụ việc; số vụ việc tham gia tố tụng 512 vụ việc; số vụ việc đại diện ngoài tố tụng 19 vụ việc; đã thực hiện kết thúc 704 vụ việc (tăng 46% so với năm 2020).

Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và Phòng Công chứng số 1, trong đó Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trong năm qua đạt mức tăng trưởng gần 50%, Phòng Công chứng số 1 đạt mức tăng trưởng gần 10%. Các hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, chất lượng, hiệu quả tiếp tục được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.  

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được tăng cường, đổi mới, đi vào chiều sâu, có sự chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả, theo phương châm hướng về cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Trong năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn triển khai thực hiện tốt, toàn tỉnh tổ chức được trên 14.549 cuộc Hội nghị phổ biến các văn bản pháp luật cho hơn 526.674 đại biểu tham dự (tăng 40% so với năm 2020); thực hiện tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trên 1.500 kỳ; cấp huyện, cấp xã đã thực hiện trên 2.036 kỳ phổ biến pháp luật trên Đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố và trên 15.040 kỳ phát trên loa phát thanh, loa di động của xã, phường, thị trấn. Sở Tư pháp đã thực hiện biên soạn và cấp trên 450.000 tài liệu tuyên truyền pháp luật dưới dạng sách, bản tin, tờ bướm, tờ rơi; đồng thời, tăng cường công tác phổ biến pháp luật trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, Faccbook, Zalo; đặc biệt, trong năm Sở Tư pháp đã xây dựng và vận hành Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu.

Công tác hòa giải cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, trong năm đã tiếp nhận 1.693 vụ việc, đưa ra hòa 1.634 vụ việc (trong đó, hòa giải thành 1.383 vụ việc), đạt tỷ lệ 84,63%. Đây là tỷ lệ hòa giải thành đạt cao nhất từ trước đến nay, tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2020.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước được đặc biệt quan tâm, trong năm 2021, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện hoàn thành đưa vào hoạt động 02 dự án ứng dụng công nghệ thông tin (Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin ngăn chặn và thông tin về hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, chứng thực; Dự án Xây dựng Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh); đồng thời, đã triển khai thực hiện "Dự án Số hóa Sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu" và đã hoàn thành khoảng 67% khối lượng, dự kiến dự án sẽ hoàn thành dự án trong năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác tư pháp vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, cụ thể như:  

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tuy được đổi mới, rút ngắn thời gian thẩm định và chất lượng ngày càng nâng lên nhưng vẫn có mặt còn hạn chế; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, kỹ năng xây dựng văn bản của một số cán bộ, công chức ở các sở, ngành chưa ngang tầm với nhiệm vụ nên chất lượng chưa đảm bảo; tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được khắc phục triệt để, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu ở một số sở, ngành đối với công tác này chưa cao, thiếu sự quan tâm đúng mức.

Công tác hộ tịch, chứng thực ở cấp xã tại một số nơi còn chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho người dân; công tác cấp lý lịch tư pháp tuy số vụ việc quá hạn được giảm đáng kể nhưng tỷ lệ trễ hẹn vẫn còn khoảng 2.3% (chủ yếu tập trung những trường hợp xin xóa án tích).   

Công chức pháp chế tại các Sở, Ngành, đơn vị chủ yếu là kiêm nhiệm, thường thay đổi, chưa chuyên sâu; trình độ nghiệp vụ, năng lực, kỹ năng của một số công chức pháp chế còn nhiều hạn chế, ý thức trách nhiệm chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu.

Hoạt động công chứng, đấu giá ngày càng phát triển nhưng so với các tỉnh lân cận thì thù lao thu được của các tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá còn thấp, hoạt động chưa ổn định, có biểu hiện cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức, còn phân tán, chưa có nhiều đổi mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; chính sách xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được triển khai rộng rãi; nguồn kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế; một số thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình; một số báo cáo viên pháp luật ở các sở, ngành, đơn vị ít tham gia hoặc không tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là các hội nghị triển khai pháp luật có liên quan đến ngành, đơn vị mình; còn xảy ra tình trạng "khoán trắng" công tác này cho cơ quan tư pháp. Mặt khác, do dịch bệnh Covid-19 nên ảnh hưởng nhiều đến công tác này.

Để tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp tỉnh Bạc Liêu năm 2022 cần tập trung thực hiện có hiệu quả  một số nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu như sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn; trong đó quan tâm đến các văn bản có liên quan trực tiếp, rộng rãi đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh, văn bản trái pháp luật, không phù hợp được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, quan tâm thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh; hạn chế việc đề nghị bổ sung, lùi thời gian trình, rút văn bản ra khỏi chương trình. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính ổn định, khả thi của văn bản; chú trọng đánh giá tác động của chính sách trong các đề nghị xây dựng và tính dự báo, tính khả thi để chính sách thực sự đi vào cuộc sống; kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính thông qua hoạt động thẩm định; xem xét, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc chậm, nợ ban hành văn bản.

Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính gắn với công tác kiểm tra văn bản và kiểm soát thủ tục hành chính; công tác kiểm tra cần tập trung vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, lĩnh vực được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Chủ động, tích cực tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tư pháp, nhất là đối với lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch đảm bảo, giám định tư pháp; tăng cường hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với công tác hộ tịch, chứng thực của cấp xã, cấp huyện và các hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản nhằm đảm bảo đi vào hoạt động nề nếp, ổn định và tuân thủ quy định của pháp luật, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng theo quy định, nhất là các đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách, đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, đáng tin cậy cho người dân và doanh nghiệp; phát huy vai trò tự quản của các hội nghề nghiệp.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và Phòng Công chứng số 1; đẩy mạnh xây dựng 02 đơn vị sự nghiệp (Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và Phòng Công chứng số 1) tự chủ về tài chính vào năm 2023, làm đầu tàu về chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý, điều hành; xây dựng, nâng cấp, triển khai và duy trì các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng; duy trì và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, hộ tịch; vận hành và khai thác có hiệu quả Trang thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật và cơ sở dữ liệu về thông tin ngăn chặn hợp đồng, giao dịch tài sản được công chứng, chứng thực; nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp; thực hiện hoàn thành Dự án thực hiện số hóa hộ tịch và đưa vào vận hành, sử dụng.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức công tác trên lĩnh vực tư pháp; các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và các hòa giải viên sơ sở trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, trong đó tập trung vào các văn bản pháp luật mới được ban hành, các văn bản được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận, những vấn đề liên quan đến hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là những văn bản được Quốc hội thông qua cuối năm 2021 và năm 2022.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành và các thành viên của Hội đồng phối hợp các cấp, gắn với việc củng cố, kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Từng thành viên của Hội đồng cần tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng, bám sát nhiệm vụ được phân công, chủ động đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở và người tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, gắn với nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhất là các báo cáo viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Tin rằng, với sự đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, năm 2022 ngành Tư pháp tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng Sở, ngành Tư pháp tỉnh Bạc Liêu ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng là cơ quan "Gác cổng" hết sức đắc lực và đáng tín cậy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp./.

Vưu Nghị Bình, Giám đốc Sở Tư pháp

Số lượt xem: 809

Liên kết website
Thống kê truy cập
TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ TƯ PHÁP TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Trưởng ban biên tập Vưu Nghị Bình, Giám đốc Sở Tư Pháp Tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291.3820.253 - Email: Trangttpbgdplbaclieu@gmail.com.
Ghi rõ nguồn “TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU” khi phát lại thông tin từ website này