Bạc Liêu dự hội nghị trực tuyến triển khai công tác công tác tư pháp năm 2022 do Bộ Tư pháp tổ chức
Sáng ngày 21 tháng 12 năm 2021, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. Chủ trì Hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Cùng dự Hội nghị còn có các đồng chí Bộ trưởng một số Bộ, Ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu có đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Vưu Nghị Bình, Giám đốc Sở Tư pháp, các đồng chí Phó Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo một số Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc và Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.

Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2022 tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trần Văn Thái
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2022 của Bộ Tư pháp, theo đó năm 2021 là năm chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, Hội nghị đã nghe 09 bài phát biểu tham luận của 09 đơn vị Bộ, Ngành, địa phương, trong đó phần lớn đề cập những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác tư pháp có liên quan đến việc chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19; vướng mắc từ thực tiễn triển khai các nhiệm vụ của Ngành Tư pháp trong thời gian qua.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và kết quả đạt được của toàn ngành. Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Tư pháp có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đồng thời có vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII về 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hoàn thiện thể chế.
Năm 2022, Thủ tướng yêu cầu ngành Tư pháp cần tập trung nguồn lực thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thực thi pháp luật; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, tình hình thực tiễn để nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa các quy định pháp luật khả thi, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế; đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế; coi đây là đầu tư cho sự phát triển, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, chế độ chính sách tương xứng, hài hòa hợp lý với các ngành khác.
H.Xiêm