null Tiếp tục nâng cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Phổ biến, giáo dục pháp luật
Th 6, 28/01/2022, 10:25
Màu chữ Cỡ chữ
Tiếp tục nâng cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, là cầu nối để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa đó, thời gian qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức nhiều hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh tập trung ở một số nội dung sau:

Thứ nhất, về công tác chỉ đạo triển khai thực hiện: Với mục tiêu, phương châm thực hiện là "Đưa pháp luật đến tận người dân ở cơ sở", trong những năm qua, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho cấp có thẩm quyền triển khai các hoạt động PBGDPL gắn với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Để tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện, hàng năm, khi có chỉ đạo của Trung ương và tùy theo tình hình thực tế của tỉnh, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh và Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh và các kế hoạch triển khai các Đề án PBGDPL, trong đó đã xác định cụ thể các hoạt động, thời gian, hình thức thực hiện, văn bản tập trung tuyên truyền và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và từng thành viên của Hội đồng Phối hợp PBGDPL. Qua triển khai thực hiện, nhìn chung, các văn bản được ban hành thường xuyên và kịp thời hơn, đã chú trọng bám sát mục tiêu, yêu cầu, mục đích phổ biến pháp luật và gắn công tác PBGDPL với nhiệm vụ chính trị cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc điểm của đối tượng và đặc thù của địa bàn.

Việc xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác PBGDPL được Sở Tư pháp quan tâm thực hiện, Sở đã xác định chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ làm công tác PBGDPL, hàng năm và tùy vào tình hình thực tế, đã tham mưu UBND tỉnh củng cố kiện toàn lại Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, hiện nay Hội đồng tỉnh có 38 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Đối với các Hội đồng Phối hợp cấp huyện đã được Sở Tư pháp ban hành văn bản chỉ đạo củng cố, kiện toàn, hiện nay cơ bản đã được củng cố, kiện toàn, mỗi Hội đồng có từ 30 - 36 thành viên.

Ngoài Hội đồng Phối hợp, đội ngũ làm công tác PBGDPL của tỉnh còn có sự tham gia của 157 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 136 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.226 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và các báo cáo viên của Tỉnh ủy, cán bộ, công chức, viên chức, trợ giúp viên pháp lý; các luật sư, luật gia, thẩm phán, kiểm sát viên, giảng viên, giáo viên, phóng viên, biên tập viên tại các báo, đài ở địa phương; các chức sắc của các tổ chức tôn giáo, 139 người có uy tín trong cộng đồng dân cư và trưởng khóm, ấp; 518 "Nhóm tiêu biểu" và 3.256 hòa giải viên ở cơ sở.

Thứ hai, tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh: Không chỉ chú trọng phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương, tỉnh đã chú trọng phổ biến những văn bản quan trọng của địa phương, từ văn bản của Tỉnh ủy đến các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Điều này cho thấy, từ việc tổ chức đa dạng hình thức phổ biến pháp luật đến cộng đồng và những thay đổi cách tiếp cận đã giúp Nhân dân tăng cường biện pháp nhận thức pháp luật, tạo thói quen quan tâm học tập, tìm hiểu pháp luật, đã tạo điều kiện thuận lợi đưa những chính sách của Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nhiều mô hình hay, cách làm hay đã được tỉnh sử dụng và phát huy có hiệu quả, đối với đối tượng là người dân, doanh nghiệp tỉnh đã chọn hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp - đây là hình thức được sử dụng thường xuyên và quan trọng, gắn bó chặt chẽ với nhiều hình thức phổ biến khác và là một bộ phận không thể thiếu, không thể tách rời trong tổng thể các hình thức PBGDPL. Trong 05 năm đã tổ chức hơn 40.000 cuộc hội nghị do các ngành, các cấp thực hiện phổ biến cho hơn một triệu lượt người dân, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân, kể cả các đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù. Đây là hình thức truyền thống nhưng luôn được phát huy tác dụng; đồng thời, lồng ghép với cách thức thực hiện mới là kết hợp với đối thoại pháp luật, tư vấn pháp luật mà Sở Tư pháp, Cục Thuế, Công an tỉnh Bạc Liêu thực hiện cũng là hình thức phổ biến pháp luật được đại biểu đón nhận và phát huy hiệu quả tích cực.

Thứ ba, PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng mạng xã hội, internet: Nhận thức được lợi thế của hình thức này trong giai đoạn hiện nay là phổ cập, nhanh chóng, kịp thời, rộng khắp, hấp dẫn và có đông đảo bạn đọc, khán thính giả, đặc biệt các hình thức này hiện nay đang rất phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 và chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Hàng năm, Sở Tư pháp đã đẩy mạnh triển khai công tác PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động PBGDPL, ưu tiên hình thức trực tuyến để tư vấn, giải đáp pháp luật mạng xã hội, Cổng thông tin/Trang thông tin điện tử...theo chỉ đạo của Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh về áp dụng internet, Facebook, Zalo… hiện nay Sở Tư pháp đã thiết lập tài khoản Facebook: phobiengiaoducphapluatbaclieu, Zalo: sotuphapbaclieu và đã xây dựng xong Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu để thực hiện PBGDPL.

Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục "Pháp luật và Đời sống" được phát vào thứ 7 hàng tuần, thời lượng là 15 phút/lần phát, mỗi năm thực hiện 50 kỳ. Phối hợp với Báo Bạc Liêu  thực hiện chuyên trang "Tư pháp" phát hành vào thứ 5 hàng tuần, mỗi năm thực hiện 50 kỳ. Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện đều có Trang/Cổng thông tin điện tử, các cơ quan đã thường xuyên và kịp thời đăng các tin, bài viết giới thiệu các văn bản pháp luật mới, cần thiết để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân truy cập, nghiên cứu, tìm hiểu. Loa truyền thanh ở cơ sở được các cấp quan tâm đầu tư và được đặt ngay tại cơ sở, giúp bà con hàng ngày được nghe thông tin và pháp luật, nêu cao tinh thần cảnh giác đối với những hành vi thủ đoạn lừa đảo; trong thời gian gần đây, tại một số ấp, khóm còn đầu tư thêm thùng loa di động để phát các tin tức, chủ trương, chính sách pháp luật, trung bình mỗi năm phát trên 2.653 lần.

Thứ tư, PBGDPL thông qua tài liệu tuyên truyền pháp luật: Tài liệu pháp luật được biên soạn, phát hành đa dạng hơn nhiều so với trước đây, mỗi năm ngoài Trung ương biên soạn, cấp phát, Sở Tư pháp chủ trì biên soạn và phát hành trên 120.000 tờ gấp pháp luật và sổ tay pháp luật, mua trên 5.000 quyển luật để cấp cho cán bộ, công chức và Nhân dân, các cơ quan, đơn vị biên soạn và phát hành trên 200.000 tờ bướm, sách tìm hiểu pháp luật. Ngoài ra, còn có các loại tài liệu khác như USB thu các cuộc nói chuyện về pháp luật. Các tài liệu mang tính trực quan như pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, khẩu hiệu, tờ tin ảnh, băng-rôn về chủ đề pháp luật được sử dụng khá nhiều, phổ biến hơn cả là trong thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn, Ngày Pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, Bản tin Tư pháp Bạc Liêu được Sở Tư pháp thực hiện, phát hành mỗi tháng 01 kỳ với số lượng in 1.730 quyển được phát hành từ tỉnh đến huyện, xã và đến tận các khóm, ấp, từ đó đã thông tin kịp thời các quy định pháp luật mới đến với người dân ở cơ sở.

Thứ năm, PBGDPL thông qua tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật: Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật diễn ra sôi nổi và ngày càng được đổi mới về cách thức tổ chức. Trong các hình thức PBGDPL, thi tìm hiểu pháp luật là một trong những hình thức tuyên truyền, PBGDPL hấp dẫn, có hiệu quả cao. Trong 05 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức trên 50 cuộc thi và hội thi lớn nhỏ về tìm hiểu pháp luật. Ngoài ra, các cuộc thi trực tuyến trên mạng được các cơ quan, đơn vị tổ chức trong thời gian qua đã tạo ra sân chơi lành mạnh, hữu ích, tìm hiểu pháp luật trong Nhân dân.

Thứ sáu, PBGDPL thông qua công tác trợ giúp pháp lý và hoạt động của các câu lạc bộ, các mô hình ở cơ sở: Hàng năm, Sở Tư pháp đã tổ chức trên 100 cuộc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, sinh hoạt Câu lạc bộ "Trợ giúp pháp lý” cho hơn 1.843 đại biểu tham dự là người dân và người được trợ giúp pháp lý. Riêng năm 2021, thực hiện 942 vụ việc trợ giúp pháp lý. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.373 tổ chức quần chúng tham gia tuyên truyền, PBGDPL, vận động đấu tranh phòng, chống tội, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật. Tỉnh đã được Trung ương công nhận 25 mô hình tiên tiến như: Mô hình "Doanh nghiệp đỡ đầu các tổ chức quần chúng" hoặc mô hình "Câu lạc bộ hoàn lương" kinh phí hoạt động một phần từ Nhà nước, phần còn lại do doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn, những nhà hảo tâm đóng góp. Tỉnh đã vận động người dân tham gia "Tổ tự quản dòng tộc về an ninh trật tự", Tổ tự quản thành lập trong vùng tôn giáo, dân tộc Khmer với nhiệm vụ tham gia vận động người thân trong dòng tộc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến pháp luật và giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Với phương châm hướng về cơ sở và qua nhiều năm thực hiện, Sở Tư pháp thấy rằng, nhiều hình thức, mô hình đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác PBGDPL, từ đó ý thức pháp luật của người dân được nâng lên đáng kể, người dân và doanh nghiệp cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật, các thủ tục hành chính được tinh gọn, qua đó góp phần cắt giảm được các chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp, việc tuân thủ pháp luật của người dân ngày càng tốt, nên tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trên địa bàn tỉnh giảm.

Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh phát triển kinh tế - xã hội nào thì công tác PBGDPL cũng đóng vai trò quan trọng vì đó là khâu đầu tiên đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Đảng ta đã xác định "PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng…. cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt công tác này để góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân". Nói một cách khái quát thì công tác PBGDPL chính là tạo cơ sở, điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:

Một là, cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác PBGDPL, trong đó cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL và quy định về kinh phí phục vụ cho công tác PBGDPL, nhất là nguồn kinh phí chi cho đội ngũ trực tiếp làm công tác PBGDPL và đối tượng thụ hưởng là người dân.

Hai là, tiếp tục quán triệt, nghiêm túc Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2013 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Các cấp, các ngành phải xác định được sâu sắc rằng công tác PBGDPL "là nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống chính trị”; trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thì mọi cấp, mọi ngành đều phải thực hiện công tác này. Không đánh đồng giữa quản lý nhà nước về công tác PBGDPL với trách nhiệm thực hiện công tác PBGDPL, từ đó bỏ cách hiểu đó là nhiệm vụ của Ngành Tư pháp. Xác định được rõ trách nhiệm thì các cơ quan, đơn vị, địa phương mới chủ động, kịp thời trong triển khai thực hiện. Đồng thời, để nâng cao, chất lượng, hiệu quả công tác này cần chú trọng và đề cao tính phối hợp, không nên "mạnh ai người đó làm". Coi trọng và làm tốt công tác PBGDPL từ cơ sở, lấy người được PBGDPL làm trung tâm, xem người dân là yếu tố cốt cõi để thực hiện công tác PBGDPL.

Ba là, tập trung xây dựng nguồn lực để làm công tác PBGDPL, trong đó thật sự chú trọng nguồn lực về kinh phí và nguồn lực con người, đây là hai yếu tố quyết định sự thành công của công tác PBGDPL. Xây dựng đội ngũ làm công tác PBGDPL phải chuyên nghiệp, có kỹ năng truyền đạt, có tâm, có trách nhiệm với công tác PBGDPL. Phải biết tận dụng và mời những người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia vào công tác PBGDPL.

Bốn là, tăng cường công tác PBGDPL không tách rời với việc nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống cho Nhân dân. Các cơ quan nhà nước cần tăng cường tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là áp dụng pháp luật một cách đúng đắn và nghiêm minh, nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Việc tăng cường tuyên truyền, PBGDPL sẽ tạo điều kiện cho việc nâng cao trình độ văn hóa pháp lý của người dân. Hiệu quả tác động này lại phụ thuộc vào trình độ văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ, công chức, phụ thuộc vào việc họ thực thi pháp luật, có thái độ tôn trọng pháp luật, nhất là trong điều kiện xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh thì một trong những điều kiện quan trọng là làm sao để người dân được tham gia tích cực vào hoạt động quản lý xã hội bằng pháp luật. PBGDPL góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự lớn mạnh của tính tích cực, đảm bảo hành trang kiến thức pháp lý cần thiết cho sự tham gia vào hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật trong cả nước.

Năm là, chú trọng đổi mới thường xuyên về nội dung và hình thức PBGDPL, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 thì công tác PBGDPL cần phải tiếp tục đổi mới với các hình thức phù hợp hơn, như phổ biến thông qua mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, mạng viễn thông. Cần khắc phục tình trạng một số nội dung PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Cách thức xây dựng nội dung trong các tài liệu tuyên truyền, phổ biến còn cứng nhắc, khuôn mẫu, chưa phù hợp với trình độ hiểu biết, nhu cầu của từng đối tượng đặc thù. Ngoài ra, cần lồng ghép việc tuyên truyền, PBGDPL tại các buổi sinh hoạt cộng đồng. Xây dựng và phát huy phương châm mỗi người dân là một tuyên truyền viên trong cộng đồng. Chú trọng nâng cao hiệu quả hình thức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, các phong trào quần chúng. Đối với hình thức PBGDPL qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý cần mở rộng phạm vi hoạt động, không chỉ tư vấn tại trụ sở mà còn đến các khóm, ấp, cụm dân cư, tư vấn lưu động hoặc thông qua các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở.

Sáu là, kết hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với công tác theo dõi thi hành pháp luật. Giữa hai công tác này có mối quan hệ tương tác qua lại với nhau. Qua công tác PBGDPL có thể phát hiện những lỗ hổng trong thi hành pháp luật và ngược lại qua công tác theo dõi thi hành pháp luật sẽ phát hiện được những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác PBGDPL. Do đó, trong thời gian tới, cần quan tâm tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa hai công tác này.

Bảy là, cần phải có các phương thức tác động làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của Nhân dân đối với pháp luật, chủ động hơn trong tiếp cận pháp luật. Người dân thường chỉ quan tâm tới pháp luật khi bản thân họ phải rơi vào những tình thế, sự việc miễn cưỡng liên quan đến pháp luật, lợi ích bị xâm hại... (kiện tụng, tranh chấp, bị xử phạt vi phạm hành chính, bị cưỡng chế, bị truy cứu trách nhiệm hình sự...), khi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần giải thích, phân tích cho người dân hiểu được rằng, pháp luật không chỉ bao gồm các quy định cưỡng chế, thực thi pháp luật, biện pháp giải quyết tranh chấp mà pháp luật còn bao gồm các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, khuyến khích sự giao dịch lành mạnh giữa các thành viên trong xã hội vì sự phát triển và bảo đảm trật tự ổn định. Pháp luật là môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho người giao dịch với nhau trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội phụ thuộc và gắn bó với nhau một cách hợp lý.

Công tác PBGDPL có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực thi, tuân thủ pháp luật. Chính vì vậy, trong thời gian tới các ngành, các cấp cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác PBGDPL góp phần nâng cao tình hình tuân thủ pháp luật của địa phương và công tác PBGDPL ngày càng hiệu quả hơn trong thời gian tới./.

Trần Minh Đức, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP

Số lượt xem: 447

Tin đã đưa
Liên kết website
Thống kê truy cập
TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ TƯ PHÁP TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Trưởng ban biên tập Vưu Nghị Bình, Giám đốc Sở Tư Pháp Tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291.3820.253 - Email: Trangttpbgdplbaclieu@gmail.com.
Ghi rõ nguồn “TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU” khi phát lại thông tin từ website này