null Thủ tướng ban hành kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025

Giới thiệu văn bản mới của Trung Ương
Th 7, 25/12/2021, 14:28
Màu chữ Cỡ chữ
Thủ tướng ban hành kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025

Ngày 22/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Quyết định 2169/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch Phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đảm bảo phòng ngừa, cảnh báo, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.

          Mục tiêu cụ thể là tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung các cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống thiên tại và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các sự cố, thiên tai, thảm họa; tăng cường năng lực giám sát các nguy cơ thảm họa với môi trường và khu dân cư. Nâng cao năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự, cho cộng đồng và toàn dân. Triển khai hệ thống công trình phòng thủ dân sự theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với vùng, miền và điều kiện tự nhiên, từng bước nâng cao khả năng thích ứng và ứng phó hiệu quả với các loại hình thảm họa.

          Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 xác định công tác chuẩn bị và ứng phó với nguy cơ thảm họa chiến tranh là thường xuyên, lâu dài; công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả các thảm họa do sự cố, thiên tai là thường xuyên và cấp bách; trong đó ứng phó và khắc phục thảm họa thiên tai là trọng tâm. 

            Về nhiệm vụ phòng ngừa, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Nghiên cứu xây dựng luật phòng thủ dân sự, hoàn thiện hệ thống văn kiện, kế hoạch ứng phó với các loại hình thiên tai, thảm họa bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Kiện toàn tổ chức chỉ đạo, chỉ huy đi đôi với kiện toàn lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự từ trung ương đến các địa phương. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; duy trì lực lượng, phương tiện trực quan sát, giám sát, cảnh báo và sẵn sàng triển khai ứng phó kịp thời khi có tình huống. 

Tổ chức huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm cùng với việc tổ chức diễn tập, hội thao, thông tin tuyên truyền phổ cập cho nhân dân để nâng cao năng lực ứng phó khi có tình huống. 

Lập quy hoạch và xây dựng công trình phòng thủ dân sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước, địa phương và quy hoạch phát triển ngành, bảo đảm phát triển bền vững. Đầu tư xây dựng công trình trú ẩn, di dân, kho, trạm bảo đảm tiêu chuẩn, thuật và các cơ sở vật chất thiết yếu khác theo quy định. 

            Nhiệm vụ ứng phó: Khẩn trương khảo sát, đánh giá kịp thời quy mô sự cố thiên tai, thảm họa, dự báo diễn biến tiếp theo, nhanh chóng xác định kịch bản ứng phó hiệu quả. Tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm an toàn cho nhân dân và các cơ quan, tổ chức; sơ tán tài sản, vật chất ra khỏi khu vực ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa. Huy động tối đa nhân lực, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và nhu yếu phẩm; tập trung nỗ lực bảo đảm hậu cần, hóa chất vật tư y tế, thuốc chữa bệnh cho lực lượng ứng phó và nhân dân vùng bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. 

Thường xuyên cập nhật và dự báo tình hình cho nhân dân, đặc biệt ở khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến các địa phương và các lực lượng ứng phó. Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. 

            Nhiệm vụ khắc phục hậu quả: Là tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hành tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn môi trường sống. Tổ chức khắc phục hư hỏng hạ tầng, khẩn trương khôi phục, ổn định sản xuất và các hoạt động kinh tế của địa phương. Thực hiện công tác chính sách, tiến hành các biện pháp ổn định đời sống cho nhân dân và đưa các hoạt động xã hội trở lại bình thường.

            Các giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch gồm: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với hoạt động phòng thủ dân sự. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và toàn dân về phòng thủ dân sự. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động để thực hiện có hiệu quả công tác phòng thủ dân sự; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao năng lực phòng thủ dân sự. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm. Tăng cường diễn tập theo các phương án để nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng và nhân dân. Tiến hành sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động phòng thủ dân sự. Tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài nâng cao năng lực phòng thủ dân sự.

            Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự giai đoạn 2021-2025 sát với thực tế của từng địa phương. Rà soát lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị thuộc quyền có khả năng tham gia tổ chức phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thảm họa, báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia nghiên cứu, đưa vào phương án sử dụng lực lượng, phương tiện; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện thuộc quyền tham gia ứng phó, khắc phục thảm họa. Xây dựng quy hoạch, bố trí dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu; kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh nhất là các địa phương ở khu vực biên giới. 

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho toàn dân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị về phòng thủ dân sự. Kiện toàn lực lượng ứng phó chuyên trách và kiêm nhiệm, bảo đảm khả năng ứng phó tại chỗ và ban đầu kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong trường hợp xảy ra thảm họa. Quy hoạch cơ sở hạ tầng công cộng xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc đủ khả năng phòng chống thảm họa, chiến tranh như các địa điểm sơ tán nhân dân, điểm an toàn, hầm trú ẩn... Xây dựng hệ thống y tế đảm bảo đủ năng lực điều trị số lượng lớn các nạn nhân khi xảy ra thảm họa, dự kiến các địa điểm xây dựng bệnh viện dã chiến sẵn sàng xử lý các tình huống. 

Tập trung xây dựng nguồn lực địa phương, cơ sở vững mạnh cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân tại địa phương vững mạnh, rộng khắp. Thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương về phòng thủ dân sự phù hợp với khả năng cân đôi của ngân sách địa phương. Xây dựng phương án huy động nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự trên địa bàn địa phương. 

Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện Kế hoạch./.

Tải nội dung tại đây

              Thế Bảo

Số lượt xem: 148

Liên kết website
Thống kê truy cập
TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ TƯ PHÁP TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Trưởng ban biên tập Vưu Nghị Bình, Giám đốc Sở Tư Pháp Tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291.3820.253 - Email: Trangttpbgdplbaclieu@gmail.com.
Ghi rõ nguồn “TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU” khi phát lại thông tin từ website này