Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động Đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản và Công văn số 2457/BTP-BTTP ngày 23/7/2021 của Bộ Tư pháp về một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản. Ngày 22/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Công văn số 4095/UBND-NC về việc thực hiện một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là người có tài sản) tiếp tục quan tâm, tổ chức thực hiện nghiêm túc một số nội dung như:
Thực hiện đăng thông báo trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi đưa tài sản ra bán đấu giá.
Thực hiện đăng tải đầy đủ việc lựa chọn tổ chức đấu giá trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản; giám sát chặt chẽ tổ chức đấu giá tài sản trong việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá sau khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, trong đó chú trọng kiểm tra việc đăng thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản theo đúng thời gian, nội dung quy định.
Trường hợp phát hiện tổ chức đấu giá tài sản không đăng thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản thì người có tài sản có thể xem xét, yêu cầu hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản. Trong trường hợp tổ chức đấu giá theo thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 53 Luật Đấu giá tài sản cần đề nghị tổ chức đấu giá tài sản tiếp tục đăng thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của cuộc đấu giá, tối đa hóa lợi ích cho Nhà nước (việc thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản hiện nay không mất chi phí).
Về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản cần căn cứ theo đúng các tiêu chí quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, không đặt thêm các yêu cầu không có cơ sở, không cần thiết đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản. Trong quá trình lựa chọn, người có tài sản cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những tổ chức đấu giá tài sản có hành vi vi phạm đã bị báo chí phản ánh và cơ quan có thẩm quyền xử lý, nhất là hành vi không đăng thông báo công khai, thông báo công khai không đúng quy định việc đấu giá tài sản trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản.
Cần chú trọng việc đấu thầu để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, trường hợp lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo hình thức đấu thầu thì khuyến khích việc lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Đấu thầu theo các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản.
Để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan, yêu cầu người có tài sản khi xây dựng phương án đấu giá không đặt thêm yêu cầu, điều kiện không có cơ sở đối với người tham gia đấu giá làm hạn chế việc đăng ký tham gia đấu giá, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp rà soát, kịp thời phát hiện các trường hợp người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người đăng ký tham gia đấu giá ngoài quy định của pháp luật để xem xét, xử lý hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
Người có tài sản phải giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức đấu giá, kịp thời có ý kiến, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản tuân thủ đúng quy định về bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, đảm bảo đúng bản chất của việc đấu giá tài sản.
Đối với đấu giá tài sản theo lô thì giao Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án đấu giá hoặc khi phê duyệt phương án đấu giá (đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất) cần có phương án phù hợp, khả thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người tham gia đấu giá, qua đó, phát huy hiệu quả của hình thức đấu giá tài sản, bảo đảm tối đa hóa lợi ích của Nhà nước trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công và đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt nội dung Công văn số 2770/UBND-NC ngày 29/6/2020 về việc chỉ đạo thực hiện công tác đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu./.
Tải nội dung tại đây
Thế Bảo