Sở Tư pháp Bạc Liêu tổ chức Hội nghị phổ biến các Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 (Lần 2))
Ngày 15/4/2021, Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị phổ biến các Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 (lần 2). cho hơn 250 đại biểu tham dự là Thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện; Công chức phụ trách pháp chế, thanh tra các Sở, Ngành; Giảng viên dạy môn pháp luật Trường Chính trị Châu Văn Đặng, Trường Đại học Bạc Liêu, các Trường Cao đẳng và giáo viên dạy môn Giáo dục công dân tại các Trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và một số phòng, đơn vị cấp huyện.

Đại biểu tham dự hội nghị

Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu triển khai tại Hội Nghị
Tại Hội nghị, Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu đã triển khai Luật Cư trú, theo đó chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vào cuối năm 2022. Kể từ ngày 01/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Đặc biệt, nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú. Đồng thời, nếu công dân đăng ký, khai báo cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì thu hồi sổ đã cấp, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu về cư trú, không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Quản lý công dân bằng thông tin trên cơ sở dữ liệu về dân cư; bỏ nhiều nhóm thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu; giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú,…

Ông Lữ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đã triển khai Luật Bảo vệ Môi trường
Cũng tại Hội nghị, ông Lữ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đã triển khai Luật Bảo vệ Môi trường và đánh giá sơ bộ tác động môi trường được quy định trong Luật và các nguyên tắc bảo vệ môi trường; chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường; bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, tác động môi trường, giấy phép môi trường, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đô thị và nông thôn,…

Luật sư Lê Hải Lâm triển khai tại Hội nghị
Ngoài ra, Luật sư Lê Hải Lâm giới thiệu Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm 08 Chương và 74 Điều, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, bổ sung thêm hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thêm các hành vi bị cấm khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; quy định thêm danh mục các khu vực cấm đi làm việc ở nước ngoài; doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động phải có vốn từ 5 tỷ đồng; người lao động không phải hoàn trả tiền môi giới; người lao động chỉ phải trả một phần phí dịch vụ; quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ; người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bị ngược đãi, quấy rối tình dục,… Về Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, cụ thể: Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng, trong khi Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, theo Luật Biên phòng Việt Nam thì việc quản lý, bảo vệ và xây dựng biên giới quốc gia là lĩnh vực rất quan trọng, quy định nhiệm vụ cho các lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới,...

Ông Trần Minh Đức - Phó Giám Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tỉnh Bạc Liêu
Phát biểu tại Kết luận Hội nghị, ông Trần Minh Đức - Phó Giám Sở Tư pháp, Phó Chủ tich Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu, thông qua Hội nghị nhằm giúp cho đại biểu nắm bắt kịp thời nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của các văn bản pháp luật, từ đó để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân và những đối tượng có liên quan, tạo nền tảng, tiền đề và chuẩn bị cho luật có hiệu, thi hành sẽ được tốt hơn./.
Bài và ảnh: Trần Thái