null Quy định về cách tính thời gian theo buổi làm việc và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý

Giới thiệu văn bản mới của Trung Ương
Th 5, 11/11/2021, 08:37
Màu chữ Cỡ chữ
Quy định về cách tính thời gian theo buổi làm việc và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý

Ngày 25/05/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BTP hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý. Thông tư này hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Theo đó, thời gian theo buổi làm việc thực tế (1/2 ngày làm việc) được áp dụng đối với các vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng do người thực hiện trợ giúp pháp lý lựa chọn để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc.

Một buổi làm việc thực tế được tính trên cơ sở 04 giờ làm việc. Trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc không đủ 04 giờ thì tính như sau:

Tính thành ½ buổi làm việc nếu số giờ làm việc lẻ không đủ 03 giờ;

Tính thành 01 buổi làm việc nếu số giờ làm việc lẻ từ đủ 03 giờ trở lên.

Khi áp dụng cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải kê các công việc và thời gian thực hiện các công việc vào Bảng kê thời gian thực tế (Mẫu TP-TGPL-01) ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư cũng quy định rất cụ thể cách tính thời gian tham gia tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thời gian tham gia đại diện ngoài tố tụng từ Điều 4 đến Điều 7 theo hướng quy định rõ ràng các căn cứ tính thời gian, thời gian bị hạn chế, xác nhận thời gian. Với cách quy định này, Thông tư sẽ bảo đảm được áp dụng rõ ràng, thuận lợi hơn, phù hợp với tính chất, vụ việc trong từng vụ việc cụ thể, đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm của người thực hiện khi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Về xác định thời gian làm việc theo buổi làm việc trong một số trường hợp đặc biệt: Thông tư đã bổ sung quy định hoàn toàn mới, đó là trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội ở thời điểm bắt, tạm giữ người theo quy định của pháp luật tố tụng. Theo đó, thời gian và xác nhận thời gian thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bao gồm:

-  Thời gian xác minh, thu thập, đánh giá tài liệu, đồ vật, chứng cứ cần thiết có liên quan do cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi người thực hiện trợ giúp pháp lý đến xác minh, thu thập chứng cứ xác nhận;

- Thời gian tham gia lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại hoặc những người có liên quan khác; tham gia các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố cùng với Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên do Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên xác nhận;

- Thời gian làm việc với người bị buộc tội tại Buồng tạm giữ thuộc Đồn Biên phòng, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam do người bị buộc tội hoặc cán bộ Đồn Biên phòng, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam hoặc cơ quan tiến hành tố tụng xác nhận;

- Thời gian gặp gỡ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố hoặc người thân thích của họ; bị hại hoặc người thân thích của bị hại; những người khác có liên quan do những người này xác nhận.

Về khoán chi vụ việc: Thông tư quy định “người thực hiện trợ giúp pháp lý lựa chọn bằng văn bản ngay sau khi được phân công và không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý” khi lựa chọn hình thức khoán chi thực hiện vụ việc.

Đối với việc khoán chi vụ việc trong một số trường hợp đặc biệt, trường hợp 02 người thực hiện trợ giúp pháp lý trở lên thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 người được trợ giúp pháp lý trong cùng một vụ việc thì căn cứ các công việc thực tế của mỗi người thực hiện, mức khoán chi vụ việc tối đa bằng 130% mức khoán chi tương ứng thể hiện tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này nhưng không quá 10 mức lương cơ sở

Trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 (một) người được trợ giúp pháp lý bị truy tố 02 (hai) tội danh trở lên trong cùng một vụ án thì mức khoán chi vụ việc cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Theo đó, được khoán chi vụ việc tối đa bằng 130% mức khoán chi nhưng không quá 10 mức lương cơ sở.

Đối với các hoạt động phát sinh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng quy định của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và Thông tư số 05/2017/TT-BTP ngày 20/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2021./.

BBT

Số lượt xem: 176

Liên kết website
Thống kê truy cập
TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ TƯ PHÁP TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Trưởng ban biên tập Vưu Nghị Bình, Giám đốc Sở Tư Pháp Tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291.3820.253 - Email: Trangttpbgdplbaclieu@gmail.com.
Ghi rõ nguồn “TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU” khi phát lại thông tin từ website này