Lấy nhau từ năm “chàng” vừa đủ 20, “nàng” vừa đủ 18 tuổi nhưng hạnh phúc của cặp vợ chồng “trẻ con” không được bền lâu…
Vốn là những đứa trẻ ham chơi, cả Tân và Như- tên đôi vợ chồng trẻ nọ đều là những “con nghiện” game từ những năm học trung học. Sớm ngày vùi đầu vào game, cả hai chẳng thiết gì học hành. Học thì ít, chơi thì nhiều nên chuyện yêu đương sớm, gia đình hai bên phản đối, thậm chí còn mạnh tay dùng đòn roi để đe dọa. Nhưng rồi “ông con” dám cãi lời cha mẹ, lấy trộm của cha hơn hai triệu đồng, bán chiếc xe đạp hằng ngày vẫn đi học để lấy tiền đưa người yêu đi “lập nghiệp”. Sau hơn 01 tháng tìm kiếm nhưng không gặp, cậu con dắt người yêu trở về nhà thì bố mẹ đành chấp nhận: Cho cưới. Sau đám cưới cũng là lúc cái bụng cô dâu trẻ lớn dần. Tân thì đi học nghề ở trên tỉnh, Như thì ở nhà chờ ngày sinh con. Hai vợ chồng chưa biết làm ra tiền, thỉnh thoảng lại cãi vã toàn chuyện trẻ con. Gia đình dự định sau khi Như sinh con thì cho đi học nghề để có việc làm ổn định.
Từ sự ghen tuông, bực bội rất trẻ con đến chuyện khác biệt trong cách ăn ở, cư xử ngày thường, chuyện vô tâm, vô ý của cả vợ cả chồng Tân và Như và từ đó… sinh ra cãi vã tệ hại. Ban đầu hai người chỉ cãi nhau “ngầm”, giữ ý trước mặt cha mẹ. Sau, những cuộc cãi nhau cứ nhiều dần lên như cơm bữa, mức độ cũng ngày một trầm trọng, chẳng còn biết giữ ý trước cha mẹ nữa. Tệ hơn cả là hai đứa bắt đầu xô xát nhau không thương tiếc. Rồi cuối cùng, cả hai xin… ly hôn, bất chấp đứa con còn quá nhỏ, trong khi cha mẹ của Tân phản đối cực lực không thua gì phản đối đám cưới ngày nào.
Đau lòng trước đôi vợ chồng trẻ, hai bậc phụ huynh hết mắng mỏ, dịu ngọt đến dọa “từ mặt” để giải quyết nhưng không được và đành phải tìm đến Tổ hòa giải nhờ can thiệp. Người trực tiếp nhận lời giúp hòa giải cặp đôi chính là chị Trinh - người cán bộ trẻ nhất, dễ gần gũi, dễ sẻ chia nhất với hai nhân vật chính.
Sau khi nhận vụ việc, chị Trinh đã cùng một vài anh em trong Tổ đi tìm hiểu vụ việc, thật ra cả Như và Tân vẫn còn rất trẻ con, tự ái cao. Người ngoài nhìn vào, chỉ thấy mâu thuẫn lớn nhất là hai người thiếu kinh nghiệm sống, chưa biết nhường nhịn, sẻ chia với nhau nên sinh ra mâu thuẫn, cãi cọ. Nhưng hai người lại khăng khăng cho rằng, người nọ coi thường, xúc phạm người kia.
Vì thế, động thái đầu tiên của chị khi hòa giải cặp vợ chồng trẻ là tìm từng người để “chữa” căn bệnh “kiêu”, bệnh ích kỷ và những suy nghĩ trẻ con của Tân và Như, những chuyện đơn giản trong ứng xử vợ chồng như cách chia sẻ công việc nhà, chuyện chồng uống rượu, chơi điện tử, dành chỗ ngồi “đẹp” trong phòng của vợ, của chồng cũng có thể khiến họ “sinh sự”. Cô bé Như, tuy đã làm vợ nhưng vẫn ham chơi, vô tâm. Từ cách vệ sinh ăn uống, chăm sóc cho con học mãi mà vẫn luống cuống. Còn anh chồng trẻ, đi học về vẫn còn thích nhắn tin, gọi điện buôn chuyện với bạn bè khiến vợ vừa ghen, vừa tức… Tất cả tích tụ, dồn nén thành những khối mâu thuẫn “tả pí lù”, cuốn riết vào nhau đến mức khó hòa giải. Tuy nhiên, điều may mắn nhất của đôi trẻ là họ vẫn còn khá yêu thương nhau. Tình cảm còn, con chung lại nhỏ, nên sợi dây kết nối họ vẫn còn có thể níu giữ được.
Bằng sự gần gũi, thân thiết, chị Trinh nhẹ nhàng nói chuyện, chỉ ra cho cả hai bên những cái được và chưa được, những cái sai “trầm trọng” nhưng không phải không thể cứu vãn được của họ. Nhờ thái độ gần gũi không lên giọng, không “lên gân” của chị mà cả hai người đều tỏ ra khá lắng nghe và tiếp thu. “Qua cách nói chuyện của hai người, tôi thấy họ tuy đã muốn giảng hòa nhưng lại “ngại” xuống nước trước- một cách phản ứng rất… trẻ con của đôi vợ chồng ít tuổi. Vì thế, thay vì bắt họ phải xin lỗi, chị Trinh đã tế nhị trò chuyện, gợi lại những kỉ niệm đẹp giữa họ. Hơn thế, chị còn bày cho họ tự mình chỉ ra những ưu điểm- nhược điểm- những điều đáng chán ở người kia. Sau đó, dùng phương pháp loại trừ giữa “yêu” và “ghét” để cho chính họ nhận ra cả hai vẫn còn rất quan tâm đến nhau.
Cuối cùng, chị Trinh cũng giải thích thêm quy định pháp luật về nghĩa vụ và quyền của vợ, chồng với nhau, cụ thể Điều 2 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó có nguyên tắc “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con” và Khoản 1 Điều 19 về tình nghĩa vợ chồng thì “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”, đồng thời giải thích để Tân và Như hiểu, hôn nhân không phải là mồ chôn hạnh phúc, rằng để hôn nhân bền chặt, tình yêu còn sức sống thì cả hai người phải luôn luôn có ý thức cùng nhau vun trồng, quan tâm, xây đắp.
Thật may mắn khi cuối cùng tất cả đều ổn thỏa. Đôi vợ chồng trẻ bớt nhiếc móc, kể tội nhau. Họ nói chuyện, chia sẻ nhiều hơn, xin lỗi bố mẹ để được bắt đầu “làm lại”.
Qua câu chuyện trên có thể thấy rằng, nhiều cặp vợ chồng rất yêu thương nhau, nhưng vì cái tôi, sự tự ái, hiếu thắng, nhiều người không thể kiềm chế lời nói, cảm xúc, hành động và đã làm tổn thương bạn đời. Nhiều trường hợp mất lòng rồi giận hờn, chiến tranh lạnh và lâu dần gây ức chế, tích tụ dẫn đến ly thân, ly hôn. Đôi khi những người trong cuộc không nhìn ra, nhưng Hòa giải viên ở cơ sở chính là trung gian để giải thích cho các bên thấy được vấn đề từ đó có hướng giải quyết tốt hơn./.