null Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần quan trọng trong việc ổn định trật tự an toàn xã hội ở địa phương

Hòa giải ở cơ sở
Th 4, 28/07/2021, 15:17
Màu chữ Cỡ chữ
Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần quan trọng trong việc ổn định trật tự an toàn xã hội ở địa phương

Ở Việt Nam, nền kinh tế nông nghiệp lúa nước với nhu cầu làm thủy lợi, đắp đê, chống lụt, thêm vào đó là nguy cơ giặc ngoại xâm luôn đe dọa đã khiến cho người Việt cổ sớm hình thành lối sống cộng đồng, truyền thống đoàn kết, tương thân, thương ái. Trong các làng xã cổ truyền, người nông dân quen sống với các mối quan hệ xóm làng, huyết thống ràng buộc nhau một cách chặt chẽ, do đó họ rất coi trọng tình làng, nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Đây là tiền đề, là cơ sở quan trọng để hình thành công tác hòa giải ở cơ sở.

Trước năm 1945, việc hòa giải những mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ Nhân dân chủ yếu do các hương ước, khoán ước của mỗi làng quy định. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công (1945), ngay từ những ngày đầu thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật quy định về hòa giải, Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký đã quy định: Ban Tư pháp xã có nhiệm vụ hoà giải tất cả các việc về dân sự, thương sự. Việc quản lý hoạt động hòa giải giai đoạn này thuộc nhiệm vụ của ngành Tư pháp. Năm 1961, nhiệm vụ quản lý công tác hòa giải được chuyển sang cho Tòa án nhân dân tối cao. Tòa án nhân dân tối cao đã ra Thông tư số 02-TC ngày 26/02/1964 về việc xây dựng tổ hòa giải và kiện toàn tổ tư pháp xã, khu phố. Cuối năm 1981, Bộ Tư pháp được thành lập lại và được giao nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn hoạt động của tổ hoà giải từ Toà án nhân dân tối cao chuyển sang và đến nay, công tác này do Bộ Tư pháp quản lý. Thực hiện quy định của pháp luật, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp là cơ quan tham mưu UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Cấp xã do Ủy ban nhân dân thực hiện quản lý nhà nước.

Ngày nay, dưới tác động của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống kinh tế - xã hội của người Việt Nam có những biến đổi sâu sắc, nhưng tinh thần đoàn kết cũng như lối sống trọng tình đã tồn tại ngàn đời nay vẫn được bảo tồn, phát huy và đây chính là căn nguyên, là mảnh đất cho hòa giải, đặc biệt là hòa giải ở cơ sở ngày càng phát huy ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trong việc bảo đảm trật tự an toàn tại cộng đồng dân cư, thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết kịp thời, từ gốc mâu thuẫn, xích mích, các tranh chấp trong gia đình, cộng đồng dân cư, hạn chế vi phạm pháp luật, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của nhân dân cũng như của Nhà nước, góp phần giảm bớt khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện của nhân dân. Thực tế, Nhà nước (các cơ quan hành chính và Tòa án) không thể và cũng không cần thiết phải can thiệp, giải quyết hết tất cả các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống cộng đồng dân cư khi mà các bên có thể tự cùng nhau thương lượng, hòa giải thành. Ngoài ra, với phương châm xử sự trong gia đình thì “đóng cửa bảo nhau”, ra ngoài đường thì “một điều nhịn chín điều lành”, tâm lý cho rằng “vô phúc đáo tụng đình”, các bên thường tìm cách giải quyết êm thấm các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ gia đình, dòng tộc, làng xóm. Đây chính là tiền đề quan trọng cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. 

Những năm qua, các hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã hòa giải thành được số lượng lớn các vi phạm pháp luật và tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Theo số liệu thống kê, từ ngày 01/01/2014 (ngày Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 có hiệu lực thi hành) đến hết ngày 31/12/2019, toàn tỉnh có 518 tổ hỏa giải với 3.211 hòa giải viên, các hòa giải viên đã hòa giải 11.410 vụ việc, hòa giải thành 9.193 vụ việc, đạt tỷ lệ 81%.  Có được kết quả này, trước là nhờ sự tích cực của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch trong tham mưu UBND cùng cấp trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở, sự phối hợp tích cực của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp và sự đóng góp của đội ngũ hòa giải viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tâm, nhiệt tình trong việc hàn gắn những rạn nứt về tình cảm, vun đắp, thắp sáng tình yêu thương, sự hòa thuận trong từng gia đình, làng xóm, cộng đồng dân cư. 

Về bản chất thủ tục thì, hòa giải ở cơ sở mang bản chất “xã hội” hơn là pháp lý. Theo quy định tại Chương XXXIII của BLTTDS năm 2015, kết quả hòa giải thành ở cơ sở có thể được Tòa án công nhận khi thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 417 của Bộ luật. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Theo đó, trong trường hợp phải yêu cầu Toà án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, thì quá trình tố tụng cũng được rút ngắn rất nhiều, các chi phí, lệ phí tố tụng (lệ phí là 300.000 đồng, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án) mà đương sự phải chịu sẽ giảm đi đáng kể so với trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật không giải quyết được bằng con đường hoà giải trước khi khởi kiện đến Tòa án. Nhìn chung, đa phần thỏa thuận đạt được đều được các bên mâu thuẫn, tranh chấp tự giác thực hiện mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước bởi những thỏa thuận này được các bên “tự nguyện” thương lượng, thỏa thuận với nhau dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của hòa giải viên. Theo báo cáo của Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, từ năm 2019 đến nay, số vụ các tổ hòa giải đã hòa giải thành bị tái mâu thuẫn, tranh chấp lại rất ít, thậm chí có nơi không có vụ việc nào.

Đối với các vụ việc hòa giải không thành phải đưa ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nội dung tranh chấp, mâu thuẫn, tâm tư nguyện vọng của các bên cũng đã được thể hiện rõ trong biên bản hòa giải không thành, nên sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc xác định phương hướng, đường lối giải quyết vụ việc một cách đúng đắn, thấu tình đạt lý của các cơ quan này.

Thứ hai, hòa giải ở cơ sở góp phần khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khi giải quyết tận “gốc” của vấn đề. Giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở, quan hệ tốt đẹp của các bên được duy trì. Kết quả hòa giải ở cơ sở sẽ không có bên thắng, bên thua, mà cả hai bên đều thắng, đều tự nguyện nhượng bộ một phần lợi ích của mình để đạt được thỏa thuận hòa giải thành. Điều này khác với trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn được giải quyết thông qua quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi mà những nỗ lực hòa giải ở cơ sở không đạt kết quả, sẽ có bên thắng, bên thua, bên không hài lòng, thỏa mãn với kết quả giải quyết, gây khó khăn cho việc hàn gắn mối quan hệ giữa các bên. Hơn nữa, hòa giải viên là những người sinh sống tại cộng đồng dân cư (thôn, làng, ấp, bản, thôn, tổ dân phố...) nên họ có điều kiện phát hiện sớm và nắm bắt được nội dung mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, rất thuận lợi trong quá trình hòa giải. 

Thứ ba, hòa giải ở cơ sở góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong quản lý xã hội nói chung, trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật phát sinh tại cơ sở nói riêng dựa trên cơ sở bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên. Điều này đã được khẳng định và thể hiện rất rõ khi quy định “Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở” là nguyên tắc đầu tiên trong các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở tại Điều 4 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013. Theo đó, nhiệm vụ của hoà giải viên là hướng dẫn, giúp các bên tìm được tiếng nói chung để tự giàn xếp, Hòa giải viên chỉ đóng vai trò là người trung gian hướng dẫn, giúp đỡ các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng con đường hòa giải chứ không áp đặt, bắt buộc các bên phải tiến hành hòa giải. 

Bên cạnh đó, xét về bản chất thì hoạt động hòa giải ở cơ sở chính là một hoạt động xã hội hóa công tác quản lý xã hội của Nhà nước nên đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở cơ sở: Cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên..., qua đó xây dựng được một cộng đồng dân cư mà vai trò tự quản của người dân được tăng cường, thực hiện được việc xã hội hóa hoạt động giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật; đồng thời vẫn bảo đảm việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội ở cơ sở. 
Thứ tư, hòa giải ở cơ sở góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, góp phần hình thành trong mỗi công dân ý thức thượng tôn pháp luật. Khi hòa giải, các hòa giải viên bên cạnh việc dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, truyền thống để tác động tới tâm tư, tình cảm của các bên... đều phải vận dụng các quy định pháp luật hiện hành để giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ các bên tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó có xử sự phù hợp với quy định pháp luật. Thông qua hòa giải, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách tự nhiên, trực tiếp, có sức thẩm thấu sâu sắc, sức lan tỏa rộng.

Nhìn chung, với sức sống bền vững và mạnh mẽ của hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của mình. Bên cạnh những giá trị vật chất xác định được thì hòa giải ở cơ sở còn mang lại những giá trị vô giá, là những niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi người, mọi nhà trong tình cảm gia đình, xóm giềng gần gũi và thiêng liêng, nhất là khi trật tự an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư được bảo đảm và thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm 50 của thế kỷ trước “xét xử đúng người là tốt, nhưng không phải xét xử thì càng tốt hơn”, phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tin tưởng rằng nhất định công tác hòa giài ở cơ sở trong thời gian tới sẽ gặt hái được nhiều thành tựu đáng khích lệ hơn nữa.
 

Số lượt xem: 415

Liên kết website
Thống kê truy cập
TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ TƯ PHÁP TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Trưởng ban biên tập Vưu Nghị Bình, Giám đốc Sở Tư Pháp Tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291.3820.253 - Email: Trangttpbgdplbaclieu@gmail.com.
Ghi rõ nguồn “TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU” khi phát lại thông tin từ website này