null Đoàn giám sát của Ban pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc với Sở Tư pháp về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác hòa giải ở cơ sở

Hòa giải ở cơ sở
Th 3, 26/10/2021, 17:30
Màu chữ Cỡ chữ
Đoàn giám sát của Ban pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc với Sở Tư pháp về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác hòa giải ở cơ sở

              Chiều ngày 26/10/2021, Đoàn giám sát của Ban pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh do Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh - Bùi Tấn Bảy làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với Sở Tư pháp. Tiếp Đoàn có ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp, ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Tư pháp và cùng với Thủ trưởng một số phòng, đơn vị có liên quan thuộc Sở Tư pháp.

Ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp làm việc với Đoàn giám sát của Ban pháp chế - HĐND tỉnh về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác hòa giải ở cơ sở

           Tại buổi làm việc ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật trong hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019-2022. Theo đó, Sở Tư pháp luôn quan tâm và phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sởkịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các văn bản có liên quan. Công tác tham mưu ban hành văn bản được thực hiện kịp thời; việc hướng dẫn, giúp các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức, qua đó các địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này. Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cung cấp tài liệu cho các hòa giải viên ở cơ sở được Sở Tư pháp quan tâm và thực hiện thường xuyên mặc dù nguồn kinh phí còn gặp nhiều khó khăn.

Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, công tác hòa giải ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, ở tất cả khóm, ấp đều có Tổ hòa giải ở cơ sở; cơ cấu, thành phần Tổ hòa giải đáp ứng đúng quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Kết quả tỷ lệ hòa giải thành trong 03 năm qua được giữ vững đạt trên 80%, đáp ứng yêu cầu Bộ Tư pháp đề ra, công tác này đã góp phần rất lớn vào việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, giảm bớt các khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số mô hình hay, tiêu biểu trong công tác này có thể kể đến như: mô hình “tranh thủ tín nhiệm”, “hòa giải có điều kiện”, “phát huy tinh thần đoàn kết trong nội bộ Nhân dân” ở thị xã Giá Rai; huyện Đông Hải có các mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư như mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ và pháp luật”, Câu lạc bộ “Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”, Câu lạc bộ “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông” hay nhóm “Phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật”….

Bên cạnh đó, Ngành Tư pháp cũng nhìn nhận nhiều khó khăn, hạn chế liên quan đến công tác hòa giải cơ sở. Đó là vấn đề thiếu quan tâm đến các hoạt động này ở cấp cơ sở, cấp huyện. Vấn đề kinh phí, thù lao cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa được chi trả kịp thời. Các địa phương chưa có sự chủ động trong việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên, thường trông chờ vào Sở Tư pháp; ít đầu tư, chi ngân sách cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, công tác hòa giải ở cơ sở…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các văn bản theo thẩm quyền để triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; việc thành lập, kiện toàn và tổ chức hoạt động của Tổ hòa giải và Hòa giải viên; việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho Hòa giải viên và cung cấp tài liệu liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở; thực hiện việc đảm bảo kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở theo Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêunhững khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc hoà giải ở cơ sở.

          Tại buổi làm việc, Ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp kiến nghị với Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị Trung ương nên sửa đổi, bổ sung một số quy định không còn phù hợp trong Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, đặc biệt kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính có giải pháp triển khai thực hiện khoản 1 Điều 6 Luật Hòa giải ở cơ sở; để ngân sách Trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, kiến nghị nên bỏ quy định về mức đóng lệ phí trong trường hợp đề nghị tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Bên cạnh đó, đề xuất nâng mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở và đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường công tác giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo, đề nghị Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã tăng cường thực hiện chức năng giám sát đối với lĩnh vực này để kịp thời ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề tồn tại, hạn chế, bức xúc trong công tác này, từ đó có đề xuất, kiến nghị khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới.

Ông Bùi Tấn Bảy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác hòa giải ở cơ sở tại Sở Tư pháp

           Phát biểu kết luận buổi giám sát, ông Bùi Tấn Bảy - Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở của tỉnh. Kết quả buổi giám sát làm cơ sở để Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và phục vụ cho các kỳ họp tới. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cũng nhắc nhở các địa phương, Ngành Tư pháp cần tập trung quan tâm chỉ đạo đầy đủ các mặt, để thời gian tới công tác hòa giải ở cơ sở phải thực chất và hiệu quả, vì làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở cũng chính là góp phần hạn chế đáng kể các tranh chấp, khiếu nại tố cáo, nhất là tình trạng khiếu nại vượt cấp, khiếu nại kéo dài. Qua đó góp phần duy trì, củng cố đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật trong cộng đồng dân cư./.

Bài và ảnh: Trần Thái

Số lượt xem: 488

Liên kết website
Thống kê truy cập
TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ TƯ PHÁP TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Trưởng ban biên tập Vưu Nghị Bình, Giám đốc Sở Tư Pháp Tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291.3820.253 - Email: Trangttpbgdplbaclieu@gmail.com.
Ghi rõ nguồn “TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU” khi phát lại thông tin từ website này