Ngày 26/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025.
Với mục tiêu chung tiếp tục xác định phát triển con tôm là sản phẩm chủ lực, là kinh tế mũi nhọn của tỉnh; xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến về tôm, là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó chọn tôm và lúa là đối tượng chủ lực để tập trung phát triển đồng bộ dựa trên 04 yếu tố: Phân vùng sản xuất để tạo sản phẩm đặc thù; nghiên cứu lựa chọn công nghệ mới; đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực đầu tư; liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu và xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ. Tập trung tổ chức lại sản xuất; phát triển các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021-2025 đạt 6%/năm. Có ít nhất 20% diện tích đất canh tác nông nghiệp của tỉnh được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tương đương 47.200 ha (trong đó, sản xuất thủy sản 27.200 ha, sản lượng 122.288 tấn; sản xuất lúa 20.000 ha, sản lượng 276.200 tấn); tăng hiệu quả kinh tế trên 01 ha diện tích đất canh tác cùng nhóm sản phẩm trong 01 vụ sản xuất có ứng dụng công nghệ cao ít nhất 30% trở lên so với thời điểm 2020. Phấn đấu mỗi huyện, thị xã và thành phố có ít nhất 01 mô hình/vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt chuẩn về: An toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, sản xuất hữu cơ…
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết đã đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hai là, phân vùng sản xuất tạo sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang tính đặc thù; liên kết và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Ba là, nghiên cứu lựa chọn quy trình, công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp.
Bốn là, huy động nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Năm là, đào tạo nguồn nhân lực.
Sáu là, thực thi cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Bảy là, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tám là, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu./.