null Sự hình thành và phát triển của chính quyền cấp xã trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Phổ biến, giáo dục pháp luật
Thứ năm, 29/07/2021, 10:12
Màu chữ Cỡ chữ
Sự hình thành và phát triển của chính quyền cấp xã trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Phổ bến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là cầu nối đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Là khâu then chốt, quan trọng để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội. Đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Theo quy định thì chính quyền địa phương các cấp đều có vai trò quan trọng trong việc PBGDPL cho cán bộ, nhân dân ở địa phương. Nhưng, khác với chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện, hoạt động của quyền xã, phường, thị trấn trong việc PBGDPL cho Nhân dân ở địa phương là trực tiếp, cụ thể, thường xuyên và mang nét đặc thù riêng và nhiệm vụ này được quy định cụ thể qua từng thời kỳ lịch sử như sau:

* Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959

Có thể thấy rằng, ngay từ giai đoạn đầu tiên xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân 1945, vai trò của chính quyền xã, phường, thị trấn trong việc PBGDPL đã được khẳng định và quy định trong các văn bản pháp luật. Ngày 9/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua bản Hiến pháp, tuy nhiên, Hiến pháp chưa quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật cũng như trách nhiệm PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân mà chỉ quy định “Một đạo luật sẽ quy định rõ những chi tiết tổ chức các HĐND và Ủy ban hành chính”.

Do điều kiện chiến tranh, đến năm 1958, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định HĐND có nhiệm vụ bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành luật lệ của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên; UBND xã, thị trấn có nhiệm vụ, quyền hạn “Thi hành luật lệ của Nhà nước, quyết định, chỉ thị của cơ quan hành chính cấp trên và nghị quyết của HĐND cấp mình. Căn cứ vào luật lệ, quyết định, nghị quyết và chỉ thị nói trên, ra những quyết định, chỉ thị, đồng thời kiểm tra đôn đốc việc thi hành các quyết định, chỉ thị này”.

Ngoài ra, Luật quy định “Đại biểu HĐND các cấp giúp Uỷ ban hành chính cấp mình đẩy mạnh công tác và tuyên truyền, phổ biến luật lệ, chính sách của Nhà nước”. Với quy định này Uỷ ban hành chính có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến luật lệ, chính sách của Nhà nước đến nhân dân.

 * Giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1980

Hiến pháp 1959 đã dành hẳn 01 chương quy định về HĐND và Uỷ ban hành chính địa phương các cấp và năm 1962, Luật Tổ chức HĐND và Uỷ ban hành chính các cấp ra đời thay thế cho Luật Tổ chức chính quyền địa phương 1958. Luật năm 1962 tuy không quy định cụ thể vai trò của chính quyền xã, thị trấn trong việc PBGDPL ở địa phương mà quy định chung là “HĐND các cấp bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành pháp luật của Nhà nước ở địa phương, duy trì trật tự an ninh và bảo vệ tài sản công cộng ở địa phương”; “HĐND các cấp bảo hộ quyền lợi của công dân ở địa phương và chăm lo việc công dân ở địa phương làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước”. Như vậy, một trong những biện pháp quan trọng bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành pháp luật thì HĐND cần phải tiến hành công tác PBGDPL cho Nhân dân ở địa phương để Nhân dân có thể hiểu biết chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước để họ thực hiện và làm tròn nghĩa vụ của mình đối với nhà nước.

Mặt khác, theo Hiến pháp năm 1959 và pháp luật hiện hành, Bộ Tư pháp bị giải tán, công tác tư pháp phải chuyển sang cho một số cơ quan khác đảm nhận. Công tác tư pháp cấp xã do Tòa án nhân dân đảm nhận. Theo Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 1960 và Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức tòa án nhân dân tối cao và tổ chức của các Tòa án nhân dân địa phương năm 1961 thì công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong Nhân dân là một trong những nhiệm vụ của công tác tư pháp do Chánh án tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo. Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện và đơn vị hành chính tương đương có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Đối với cấp xã thì quy định Ủy ban hành chính xã có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong Nhân dân.

Do điều kiện chiến tranh ác liệt ở giai đoạn này vai trò của cơ quan chính quyền địa phương không chỉ là tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho Nhân dân, tổ chức cho Nhân dân địa phương thực hiện các quy định của pháp luật mà vai trò quan trọng hơn là quán triệt, vận động và tổ chức nhân dân địa phương thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, thực hiện các “huấn thị”, các “lời kêu gọi” của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những khẩu hiệu chính trị - pháp lý đã tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến cán bộ, Nhân dân trong thực hiện chủ trương của đảng, pháp luật của Nhà nước để họ có thể bảo vệ quyền lợi của mình và thực hiện nghĩa vụ pháp lý đối với Nhà nước.

* Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1992

Giai đoạn này, Đảng và Nhà nước đề ra chủ truơng “Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Theo Hiến pháp 1980, HĐND “Có trách nhiệm bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh ở địa phương; quyết định các biện pháp thi hành chính sách của Nhà nước và nhiệm vụ do cấp trên giao cho”; đại biểu HĐND có trách nhiệm “tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước và nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên nhân dân địa phương tham gia quản lý Nhà nước”.

Ngày 22/11/1981, Bộ Tư pháp được thành lập lại theo Nghị định số 143/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và trong thời gian này, Vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật được thành lập trực thuộc Bộ Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. Năm 1989, Quốc hội ban hành Luật Tổ chức HĐND và UBND thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong pháp chế XHCN được xác định cụ thể, rõ ràng hơn. Theo đó, HĐND có trách nhiệm “Bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị kinh tế, các tổ chức xã hội, các lực lượng vũ trang nhân dân, trong nhân viên Nhà nước và Nhân dân ở địa phương”; còn trách nhiệm của UBND không được quy định trực tiếp trong luật mà do văn bản dưới luật quy định. Cụ thể, Chỉ thị số 315/CT ngày 07/12/1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và Chỉ thị số 300/CT ngày 22/10/1987 về một số công tác trước mắt nhằm tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật khẳng định UBND các cấp cần nhận thức rõ hơn về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; phải có kế hoạch chỉ đạo kiểm tra việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đưa công tác này đi vào nề nếp hơn. Ở xã, phường, thị trấn thì Ban Tư pháp là cơ quan chuyên môn của UBND có nhiệm vụ giúp UBND cấp xã quản lý công tác tư pháp ở cơ sở, trong đó có nhiệm vụ tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở cơ sở.

* Giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2012

Thể chế hoá đường lối đổi mới, Hiến pháp 1992 đặc cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.  Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1994 quy định cụ thể đối tượng và trách nhiệm của HĐND, UBND trong việc PBGDPL nhưng chưa có sự phân định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở từng cấp mà quy định chung cho cả ba cấp. Năm 1996, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND ở mỗi cấp. Theo đó, HĐND cấp xã quyết định “Biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên ở địa phương”. UBND cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn “Tổ chức thực hiện các biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở địa phương”.

Thực hiện chủ trương ''Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội'' đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng khẳng định, ngày 07/01/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg về việc tăng cường công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL. Hai văn bản này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thành lập Hội đồng cấp xã nhằm huy động tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cùng với chính quyền tham gia vào công tác PBGDPL. Mặt khác, chỉ thị cũng quy định rõ UBND cấp xã có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo, tổ chức kiểm tra thực hiện công tác PBGDPL trong phạm vi địa phương mình để đổi mới và đẩy mạnh công tác PBGDPL, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật.

Từ năm 2003 đến nay, đây là giai đoạn tăng cường xây dựng thể chế trực tiếp về PBGDPL. Với sự ra đời của Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác PBGDPL trong thực tiễn. Luật quy định HĐND cấp xã quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và Nghị quyết của địa phương mình và UBND cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, đã có văn bản chỉ đạo chính thức của Đảng về công tác PBGDPL là Chỉ thị số 32/CT-TW của Ban Bí thư và Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010, Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 càng khẳng định vai trò của chính quyền xã, phường, thị trấn trong việc PBGDPL cho cán bộ, nhân dân ở địa phương. Điều này chứng tỏ rằng công tác PBGDPL về sau này được đánh giá đúng vai trò, vị trí trong đời sống xã hội, nên vai trò của chính quyền xã, phường, thị trấn càng được đề cao hơn.

* Giai đoạn 2012 đến nay

Đây là giai đoạn tăng cường xây dựng thể chế trực tiếp về PBGDPL, ngày 20/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý và khẳng định vị trí ngày càng quan trọng của công tác này trong đời sống xã hội. Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm chính quyền địa phương trong công tác PBGDPL, cụ thể, Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm “quyết định các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phân bổ dự toán ngân sách địa phương cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật”. UBND các cấp có trách nhiệm “ Ban hành theo thẩm quyền chương trình, kế hoạch, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật theo quy định của pháp luật và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật”.

Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4/4/2013 hướng dẫn thi hành Luật PBGDPL quy định UBND cấp xã có nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật PBGDPL và các nhiệm vụ sau: Tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp huyện; đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện việc thống kê, báo cáo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện; sơ kết, tổng kết, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nhìn chung, Hiến pháp, các văn bản luật quy định khẳng định vai trò quan trọng của chính quyền cấp xã trong công tác PBGDPL, chính vì vậy, chính quyền các cấp cần phải quan tâm triển khai thực hiện tốt nhiệm này vì vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, vừa nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Số lượt xem: 465

Liên kết website
Thống kê truy cập
TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ TƯ PHÁP TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Trưởng ban biên tập Vưu Nghị Bình, Giám đốc Sở Tư Pháp Tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291.3820.253 - Email: Trangttpbgdplbaclieu@gmail.com.
Ghi rõ nguồn “TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU” khi phát lại thông tin từ website này