null Quy định về lấy phiếu tín nhiệm

Giới thiệu văn bản mới của Trung Ương
Thứ sáu, 03/02/2023, 15:56
Màu chữ Cỡ chữ
Quy định về lấy phiếu tín nhiệm

Ngày 02/02/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Về phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm: Theo Quy định, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc.

Cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.

Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm: Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp), cụ thể như sau:

Thứ nhất, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội.

Thứ hai, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu thực hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Thứ ba, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy địa phương tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân các cấp bầu.

Thứ tư, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.

Nội dung phiếu tín nhiệm: Phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ tín nhiệm theo 3 mức: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp".

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm: Theo Quy định số 96-QĐ/TW, quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cấp ủy và chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị được thực hiện theo 3 bước.

Bước 1: Chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm. Căn cứ kế hoạch của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ chuẩn bị các nội dung yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Quy định này; tập hợp báo cáo, hồ sơ của người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định và báo cáo giải trình, cung cấp thông tin về nội dung liên quan (nếu có), gửi cho người ghi phiếu trước 15 ngày; các nội dung, vấn đề cần làm rõ theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu tín nhiệm, gửi cho người được lấy phiếu tín nhiệm trước 10 ngày lấy phiếu tín nhiệm; chuẩn bị phiếu tín nhiệm ghi danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức tín nhiệm và có đóng dấu treo của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định. Cùng với đó, đề xuất ban kiểm phiếu.

Bước 2: Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì hội nghị quán triệt về mục đích, yêu cầu việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ theo quy định. Bầu ban kiểm phiếu; ban kiểm phiếu tiến hành phát phiếu, hướng dẫn cách ghi phiếu. Cán bộ trong thành phần ghi phiếu và bỏ phiếu vào thùng phiếu theo quy định.

Bước 3: Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và thông báo kết quả kiểm phiếu với hội nghị. Biên bản kiểm phiếu được lập thành 3 bản (2 bản gửi cấp trên trực tiếp; 1 bản lưu tại địa phương, cơ quan, đơn vị) và quản lý theo chế độ mật. Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại Điều 10, Quy định này.

Sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm: Theo Điều 11 của Quy định, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp: Cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên: Cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở 2 nơi thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi./.

Chi tiết văn bản tại đây                                               

KN

Số lượt xem: 116

Liên kết website
Thống kê truy cập
TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ TƯ PHÁP TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Trưởng ban biên tập Vưu Nghị Bình, Giám đốc Sở Tư Pháp Tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291.3820.253 - Email: Trangttpbgdplbaclieu@gmail.com.
Ghi rõ nguồn “TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH BẠC LIÊU” khi phát lại thông tin từ website này