null
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy
245 Views
Giới thiệu văn bản mới của Tỉnh
Thứ sáu, 20/08/2021, 14:18
Màu chữ
Cỡ chữ
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy
Ngày 05/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch Thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy. Các hoạt động của Kế hoạch này nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần hạn chế thấp nhất số vụ, thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, tích cực của các ngành, địa phương; đảm bảo huy động nguồn lực cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh diễn tập PCCC tại trụ sở Công an tỉnh Bạc Liêu (Ảnh Ngô Thịnh CA tỉnh)
Nhiệm vụ trọng tâm là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trọng tâm là Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên tổ chức diễn tập, thực hành về kỹ năng phòng ngừa, cứu nạn, thoát nạn; kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ, loại bỏ những yếu tố, điều kiện phát sinh cháy nổ, nhất là tại các cơ sở kinh doanh, khu dân cư, chợ dân sinh, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh…
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; thực hiện có hiệu quả việc phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Hoàn thành quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với quy hoạch xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Bố trí ngân sách và huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng, kỹ thuật, mua sắm phương tiện, thiết bị đảm bảo yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong giai đoạn tới.
Đẩy mạnh xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy” gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thực hiện các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng xã, phường, khóm, ấp, cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn về phòng, chống cháy, nổ. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở.
Tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước tiến lên hiện đại, nắm vững pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bố trí lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp ở các địa bàn trọng điểm, bảo đảm bám địa bàn, bám cơ sở. Tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố; thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia.
Tăng cường trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ mới trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với các tỉnh, thành trong cả nước. Nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học, công nghệ và xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố phục vụ công tác quản lý, thông tin, chỉ huy, điều hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung kế hoạch này.