Được sự quan tâm chỉ đạo UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cùng với sự thực hiện tốt công tác tham mưu của Sở Tư pháp, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi mà các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong đời sống của cộng đồng dân cư ngày càng tăng về số lượng và đa dạng, phức tạp về nội dung mâu thuẫn, tranh chấp.
Trong năm 2020, công tác ban hành văn bản, chỉ đạo triển khai thực hiện đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, ngày từ đầu năm Sở Tư pháp đã ban hành tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; ngoài ra, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan ký kết Chương trình phối hợp, kế hoạch phối hợp về tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 518 tổ hòa giải được thành lập tại các khóm, ấp với 3.256 hòa giải viên, trong đó số hòa giải viên nữ là 633; số hòa giải viên là người dân tộc là 172 người. Tiêu chuẩn, số lượng hòa giải viên và thành phần của tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở, quy tụ được lực lượng nòng cốt, có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hoạt động hòa giải đạt hiệu quả cao; đồng thời, bảo đảm được sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, đoàn thể, Nhân dân trong công tác hòa giải ở cơ sở. Các hòa giải viên sau khi được bầu, công nhận đã có ý thức tích cực nghiên cứu, tìm hiểu quy định pháp luật, kỹ năng hòa giải để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở ngày một tốt hơn, tỷ lệ hòa giải thành cao hơn. Những tấm gương điển hình xuất sắc, những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng nhiều, góp phần đề cao giá trị nhân văn, ý nghĩa cao đẹp của công tác hòa giải ở cơ sở.
Triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 –2022”, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh gồm có 8 thành viên. các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập xong đội ngũ tập huấn viên, với tổng số 58 thành viên. Đội ngũ này sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Trong năm, Sở đã tổ chức 05 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 692 đại biểu là đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã và các hòa giải viên ở cơ sở. Các tập huấn viên đã được Sở Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ, cấp phát tài liệu để nghiên cứu, hoạt động. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và du lịch tập huấn nghiệp vụ hòa giải các vụ việc hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình cho 90bthành viên câu lạc bộ gia đình; phối hợp với Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho 133 người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Nhằm nâng cao chất lượng cho công tác hòa giải ở cơ sở, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn các nội dung có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, trong năm, tỉnh tổ chức 01 cuộc kiểm tra tại 02 tổ hòa giải cơ sở, 02 đơn vị cấp xã và 02 đơn vị cấp huyện. Ngoài ra, phối hợp Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch kiểm tra nhiều khóm, ấp đạt đạt danh hiệu văn hóa, văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh, trong đó có kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở.
Trong năm, toàn tỉnh tiếp nhận 2.188 vụ, đưa ra hòa giải 2.125 vụ, hòa giải thành 1.733 vụ đạt tỷ lệ 81.6%.
Công tác tổng kết, khen thưởng được tỉnh quan tâm, trong năm Sở Tư pháp đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng cho 01 tập thể cấp xã; 04 tổ hòa giải và 07 hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải viên ở cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế, khó khăn:
Thứ nhất, về bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và in tài liệu cấp cho hòa giải viên: Theo Luật Hòa giải ở cơ sở và Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, UBND tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp huyện; hướng dẫn cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. UBND cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp xã; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Sở Tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay một số đơn vị cấp huyện chưa hiểu đúng, cho rằng việc tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở là nhiệm vụ, chức năng của Sở Tư pháp nên hàng năm thường chờ cấp tỉnh tổ chức tập huấn, nên có những năm Sở Tư pháp không tổ chức tập huấn thì cấp huyện cũng không làm. Hoặc có nơi không chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn ngay từ đầu năm và dự trù kinh phí thực nên không có đủ điều kiện triển khai thực hiện được.
Thứ hai, kết quả hoạt động hòa giải: Tỷ lệ hòa giải thành đạt tỷ lệ 81,68% - đạt chỉ tiêu thi đua do Bộ Tư pháp đề ra nhưng tỷ lệ này so với cả nước và các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông cửu long còn thấp và tỷ lệ này chưa đạt chỉ tiêu tỉnh đề ra (85%).
Thứ ba, kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở: Theo Điều 6 Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản có liên quan thì căn cứ vào nhiệm vụ công tác hòa giải trong năm kế hoạch và chế độ, chi tiêu tài chính hiện hành, công chức Tư pháp - Hộ tịch lập dự toán chi hỗ trợ cho hoạt động của tổ hòa giải và thù lao cho hòa giải viên, gửi UBND cấp xã xem xét, tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện để xem xét, tổng hợp báo cáo UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, hỗ trợ kinh phí hoạt động của tổ hòa giải và thù lao cho hòa giải viên. Như vậy, kinh phí cho hoạt động hòa giải phải dự trù trước và được cấp vào đầu năm. Tuy nhiên, qua kết quả kiếm tra và quản lý cho thất đến nay một số đơn vị cấp huyện chưa cấp kinh phí hoặc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở còn chậm so với quy định (năm sau mới cấp trả cho hoạt động của năm trước) từ đó gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và các Tổ hòa giải.
Mặt khác, hiện nay vẫn còn tình trạng thanh toán thù lao cho các tổ hòa giải thực hiện theo quý, 06 tháng hoặc thậm chí có nơi hết 01 năm mới thanh toán, việc chậm thanh toán thù lao cho các hòa giải viên đã không động viên cho các hòa giải viên tích cực tham gia hòa giải.
Thứ tư, việc báo cáo số liệu thống kê về công tác hòa giải vẫn còn hạn chế, số liệu khi báo về cấp tỉnh còn sai sót, chưa phù hợp và thời gian báo cáo chậm so với quy định, cho nên việc cập nhật số liệu, thông tin để báo cáo về UBND tỉnh, Bộ Tư pháp chậm so với yêu cầu.
Thứ năm, việc quản lý, ghi chép sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa đúng quy định.
Thứ sáu, một số đơn vị cấp huyện chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải, chưa thấy hết vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở. Công chức tư pháp cấp xã chưa chủ động, kịp thời tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở từ đó ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở.
Từ những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới cần phải chú trọng thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã cần phải quan tâm nhiều hơn trong chỉ đạo, lãnh đạo công tác hòa giải ở cơ sở. Cần xác định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ hai, UBND cấp huyện cần quan tâm hơn nữa trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sở và bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đúng quy định của pháp luật. Cấp xã phải chủ động dự trù kinh phí hoạt động hòa giải ở cơ sở vào hoạt động chung của xã và thực hiện việc thanh toán thù lao cho các tổ hòa giải đúng quy định. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời phản ánh về cấp trên để có hướng dẫn, giải quyết.
Phòng Tư pháp cần phải quan tâm, quản lý sát sao và thực chất hơn nữa công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm nên nắm tình hình kinh phí, hoạt động, … để kịp thời tham mưu cho UBND tốt hơn.
Thứ ba, rà soát lại đội ngũ hòa giải ở cơ sở và tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu cho đội ngũ hòa giải ở cơ sở theo quy định và đảm bảo điều kiện cho đội ngũ này hoạt động.
Thứ tư, UBND cấp xã cần quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các hòa giải viên hoạt động hiệu quả. Kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở. Thực hiện tốt giải pháp này là cơ sở quan trọng để góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa phương, hạn chế các vụ việc tiêu cực và các xích mích trong cộng đồng dân cư.
Thứ năm, biểu dương, khen thưởng đối với những đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý nhanh các khó khăn, vướng mắc ở huyện, xã./.