Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
Ngày 24/02/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Với mục đích là thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”; bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phù hợp với từng lĩnh vực pháp luật và đối tượng được Đề án xác định. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu và cụ thể hóa các hoạt động của Đề án phù hợp với tình hình thực tế, đặc thù của địa phương và đối tượng được Đề án xác định góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để hòa giải kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan Nhà nước giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước. Hòa giải viên ở cơ sở mới được bầu, bổ sung, kiện toàn được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trong năm 2022, kế hoạch cũng xác định cụ thể 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của các cơ quan, xã hội đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Hai là, xây dựng Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Ba là, kiện toàn đội ngũ tập huấn viên có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Trong đó, tiếp tục rà soát, kiện toàn đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo số lượng, thành phần. Tổ chức tập huấn phương pháp, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện.
Bốn là, thực hiện chỉ đạo điểm công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó, tùy theo tình hình thực tế, giao Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn 03 đơn vị cấp xã làm điểm chỉ đạo (ưu tiên địa bàn có tỷ lệ hòa giải thành thấp hoặc địa bàn có nhiều khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác Hòa giải ở cơ sở). Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào tình hình thực tế và đặc thù của địa phương, chủ động lựa chọn một số đơn vị cấp xã để thực hiện chỉ đạo điểm, ưu tiên tập trung lựa chọn các xã, phường, thị trấn chưa đạt tiêu chí về hòa giải ở cơ sở khi đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Năm là, xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó, rà soát, đánh giá, tiến hành bổ sung, thay thế hòa giải viên đối với những tổ hòa giải còn thiếu hòa giải viên hoặc có hòa giải viên hoạt động nhưng hiệu quả chưa cao; bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở.
Sáu là, phát hành tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở và các sách pháp luật có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Trong đó, thực hiện biên soạn, in ấn, phát hành, hướng dẫn sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải viên ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; các tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho hòa giải viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát hành các tài liệu dành cho đội ngũ tập huấn viên (tài liệu về phương pháp, hướng dẫn kỹ năng bồi dưỡng cho hòa giải viên, bài giảng mẫu, tài liệu hỗ trợ khác) và văn bản pháp luật có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở cho các tập huấn viên.
Bảy là, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Trong đó, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở. Số hóa và đăng tải các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, các ấn phẩm khác về hòa giải ở cơ sở trên cơ sở dữ liệu về phổ biến, giáo dục pháp luật, trên Trang/Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện; trên Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; trên mạng xã hội Zalo, Facebook và các mạng xã hội khác,... các phương tiện phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở. Tiếp nhận, xử lý thông tin hai chiều, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở, nhất là hòa giải các vụ việc khó, phức tạp.
Tám là, thực hiện tổng kết, đánh giá những cách làm, mô hình hay trong công tác hòa giải ở cơ sở và thực hiện nhân rộng.
Chín là, tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đánh giá kết quả thực hiện Đề án năm 2022.
Mười là, tổ chức tổng kết thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”.
Chi tiết văn bản tại đây
Thế Bảo