Ngày 24/01/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và được triển khai thí điểm đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 5 địa phương do Trung ương chọn. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và bài học kinh nghiệm qua 03 năm thực hiện thí điểm, ngày 08/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 619/QĐ-TTg ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
Việc triển khai thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ đem lại những tác động tích cực. Đối với quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương, bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Đối với xã hội, thực hiện nhiệm vụ này nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền con người, quyền công dân; duy trì xã hội phát triển ổn định, bền vững; phòng ngừa, hạn chế xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, không để xung đột nảy sinh tạo thành xung đột xã hội… Những tác động, hiệu quả tích cực mà nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã mang lại đối với công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật ở cơ sở, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh địa phương và đất nước. Đặc biệt, khi xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ là điều kiện cần thiết để xã đạt chuẩn nông thôn mới; phường, thị trấn đạt đô thị văn minh và chính quyền cấp xã đạt “Trong sạch, vững mạnh” và xét thi đua khen thưởng hàng năm.
Tính đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã hơn 03 năm chính thức triển khai thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg, tuy đây là nhiệm vụ mới, thời gian thực hiện ngắn, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được bài bản, thống nhất, hiệu quả. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 16/8/2017 về triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.
Để kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ, hàng năm và tùy thời điểm cần thiết, Sở Tư pháp đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ cho công tác tư pháp cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã và công chức cấp xã có liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật. Sở đã thực hiện chọn 22 xã làm điểm chỉ đạo để tập trung tổ chức các hoạt động tại xã điểm, hỗ trợ các xã khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác kiểm tra được Sở quan tâm thực hiện, qua 03 năm đã tổ chức gần 26 cuộc kiểm tra xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của địa phương và giải đáp, hướng dẫn giải quyết; đồng thời, để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người dân về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp, Sở Tư pháp đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền trên Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Bản tin Tư pháp, hàng trăm ngàn tờ bướm tuyên truyền, hơn 4.000 quyển sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ,.. các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và công chức cấp xã về nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nâng cao nghiệp vụ của công chức cấp xã trong xây dựng, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tính đến nay, tỉnh có 62 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 96,8%), so với năm 2017, số đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 tăng gần: 35%). Kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật được tổ chức thực hiện kịp thời; y thức chấp hành pháp luật và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cán bộ công chức cũng được nâng lên thể hiện qua chất lượng, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức khi thực hiện các thủ tục hành chính khi lấy phiếu hài lòng của người dân luôn chiếm tỷ lệ cao... Từ những kết quả đạt được của việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân, góp phần trong việc xây dựng xã đạt chuẩn nông nông mới.
Tuy nhiên, qua thực tế 03 năm thực hiện, ở một số địa phương cho thấy, cấp ủy, chính quyền nhiều nơi chưa thật sự chú trọng và hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đối với cấp huyện thì Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện được thành lập theo quy định, tuy nhiên một số Hội đồng hoạt động chưa hiệu quả, thành viên Hội đồng chưa phát huy hết trách nhiệm tư vấn, tham gia ý kiến về kết quả đánh giá và đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nên việc đánh giá còn sơ sài, hình thức, chưa bám sát với hướng dẫn của Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp. Đối với cấp xã thì chưa quan tâm, chỉ đạo và đầu tư đúng mức cho công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nên việc xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa đạt hiệu quả cao và đạt yêu cầu của Quyết định số 619/QĐ-TTg. Việc xây dựng và thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật còn chủ quan, mang tính hình thức.
Đa số các địa phương chỉ chú ý và dồn lực đến các tiêu chí, chỉ tiêu chí khác trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, còn Tiêu chí 18.5 về xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa có sự quan tâm nhiều. Việc tổ chức triển khai các thiết chế pháp luật còn chủ quan, mang tính hình thức, chưa bám sát yêu cầu của người dân, chưa tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin pháp luật. Bên cạnh đó, chưa có sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị đặc biệt là ở các xã, phường, thị trấn để có sự đánh giá, giải quyết một cách toàn diện, tổng thể đối với công tác này. Các công chức cấp xã chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng, thực hiện các tiêu chí thuộc lĩnh vực mình phụ trách nên đến kỳ đánh giá thì thường “khoán trắng” cho công chức Tư pháp – Hộ tịch. Điều kiện để tiếp cận thông tin về pháp luật cho người dân tại cơ sở gắn với thực hiện tiếp cận pháp luật còn thiếu và yếu.
Kết quả tích cực tác động vào chính quyền cấp xã, người dân khi thực hiện tốt các tiêu chí chỉ tiêu tiếp cận pháp luật không phải là những sản phẩm hữu hình có thể “thấy, sờ, cầm nắm” được như những hoạt động khác của chính quyền, mà thực tế sẽ có tác động gián tiếp, lâu dài và gắn liền với xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nếu chúng ta xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thì các tổ chức, cá nhân sẽ được đảm bảo thực hiện quyền của mình, nhất là các nhóm quyền như bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện đúng pháp luật giải quyết khiếu nại tố cáo, quyền tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã đúng quy định, được giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn thông qua hòa giải ở cơ sở, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội và phát huy dân chủ…giúp cho chính quyền cấp xã thực sự vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, công chức cấp xã nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ. Cho nên, trong thời gian tới, đặc biệt với sự ra đời của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thay thế cho Quyết định số 619/QĐ-TTg sẽ là bước ngoặc mới và các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm, thay đổi nhận thức và hành động thật sự để mục tiêu “xây dựng” mà Đảng, Nhà nước đặt ra đáp ứng yêu cầu, chất lượng./.